Tuy nhiên, ngành sản xuất bao bì nhựa còn gặp nhiều khó khăn do gần như toàn bộ nguyên liệu dùng để sản xuất các mặt hàng bao bì đều phải nhập khẩu. Chỉ riêng năm 2007, ngành nhựa đã phải nhập khẩu tới hơn 631 nghìn tấn PP và gần 455 nghìn tấn PE với tổng giá trị nhập khẩu lên tới hơn 1,5 tỷ USD.
Mặt khác, hơn 50% số khuôn mẫu bao bì cứng và phần lớn thiết bị sản xuất bao bì mềm như: máy in, máy ghép, máy thổi đều phải nhập khẩu. Việc đầu tư cho khuôn mẫu chất lượng cao rất tốn kém nhưng khả năng tiêu thụ từng loại mẫu mã mặt hàng chưa đủ lớn để tính toán khấu hao phù hợp với giá thành sản phẩm, trong khi đó, xác suất rủi ro ở ngành này khá cao.
Những mặt hàng bao bì xuất khẩu phần lớn thuộc dòng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như: túi xốp đựng hàng siêu thị hoặc túi đựng rác đang có nguy cơ mất thị trường vì xu thế của thế giới đang hạn chế dùng túi nylon để bảo vệ môi trường. Đó là chưa nói đến những bất cập khác như: thiếu lao động kỹ thuật cao, thiếu sự phân công sản xuất theo từng nhóm mặt hàng dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay thị trường trong nước.
Muốn tạo bước đột phá cho ngành sản xuất bao bì nhựa phải giải quyết được ba vấn đề: xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước; áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và thu gom, tái chế bao bì đã qua sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay cả nước chỉ mới có hai nhà máy sản xuất PVC, đáp ứng 10% nhu cầu.
Chưa có nhà máy nào sản xuất các dòng nguyên liệu PP, PE cũng như các dòng nguyên liệu khác ngoài dự án Nhà máy sản xuất PP với công suất 150 nghìn tấn/năm đang chuẩn bị triển khai tại khu vực Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo các doanh nghiệp nhựa, trong khi chờ đợi có thêm nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước, kiến nghị Nhà nước mở rộng tiêu chuẩn và chủng loại cho phép nhập khẩu có kiểm soát các sản phẩm phế liệu nhựa công nghiệp và cho tái chế nguyên liệu nhựa đã qua sử dụng tại Việt Nam, đồng thời cho giảm thuế suất thuế nhập khẩu hai loại nguyên liệu PVC và DOP trong khối AFTA từ 5% xuống còn 2% hoặc bằng 0% vì hai loại nguyên liệu này chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất nhựa trên toàn quốc.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất bao bì trong nước đều đầu tư thiết bị công nghệ mới, tiên tiến nhưng về lâu dài ngành công nghiệp cơ khí trong nước phải vươn lên đảm nhiệm công việc sản xuất khuôn mẫu cao cấp, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đón trước xu thế của thế giới hạn chế dần đi đến không sử dụng bao bì nylon, ngành nhựa nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cần nghĩ đến giải pháp sản xuất bao bì nhựa tự hủy thân thiện với môi trường.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Nhựa Việt Nam, để đạt được mục tiêu này, giá thành bao bì nhựa sẽ tăng lên gấp rưỡi, đây là bài toán khó, vượt ra khỏi khả năng tài chính của doanh nghiệp, rất cần có sự giúp sức của các cấp, các ngành.
Ngành nhựa cần tiếp cận và ứng dụng nhanh các công nghệ tiên tiến của thế giới, giải quyết vấn đề rác thải. Trước mắt, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng.
Ở nước ta hiện nay, tuy đã có một số cơ sở tái chế nhựa nhưng quy mô còn nhỏ, công nghệ và quy trình chưa hoàn chỉnh. Cần có chính sách khuyến khích các DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp môi trường, gồm nhà máy tái chế bao bì nhựa và sản phẩm nhựa bảo đảm các loại bao bì đã qua sử dụng được tái chế nhiều "vòng", cuối cùng được làm thành vật liệu xây dựng có ích như: gạch lát đường, bê-tông chắn sóng, bờ bao...
Ngoài ra, Hiệp hội bao bì Việt Nam cần định hướng phát triển cho ngành những năm tới, tăng cường phối hợp giữa các DN để hợp tác phân công hợp lý các nhóm sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất trùng lắp và tính tụ, gây thiệt hại cho các DN và lãng phí cho xã hội.